• Xây dựng Đảng

Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025:

Thực trạng sản xuất lúa chất lượng cao gắn với phát triển nông nghiệp bền vững của thị xã Ngã Năm trong những năm qua; định hướng và giải pháp trong thời gian tới

05/10/2023 04:25 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 05/10/2023 | 04:25

STO - Ngày 7/9, Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tại hội nghị, đại diện các ngành, địa phương đã trình bày tham luận về kết quả đạt được, những hạn chế và các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh từ nay đến cuối nhiệm kỳ. Báo Sóc Trăng trích, đăng nội dung tham luận của các đại biểu.

Ngã Năm là thị xã vùng trũng của tỉnh Sóc Trăng, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 21.754ha, chiếm 90% diện tích đất tự nhiên của thị xã, trong đó diện đất trồng lúa 18.500ha, chiếm 85% diện tích đất nông nghiệp. Nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trong đó cây lúa là chủ lực. Hằng năm, thị xã chỉ đạo sản xuất 2 vụ lúa (Đông - Xuân và Hè - Thu), tổng sản lượng đạt trên 236.000 tấn, trong đó, tỷ lệ lúa chất lượng cao chiếm 100% diện tích.

Trong những năm qua, thị xã Ngã Năm tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng phát triển cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh, giá trị và hiệu quả cao, phù hợp với đặc điểm và tiềm năng, lợi thế từng vùng; đặc biệt chú trọng chỉ đạo phát triển sản xuất lúa theo hướng chất lượng cao gắn với phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng chuỗi giá trị, một số kết quả đạt được cụ thể như sau:

Thứ nhất, về chuyển đổi cơ cấu giống lúa, việc chuyển đổi từ các giống lúa thường kém hiệu quả sang các giống lúa đặc sản, chất lượng cao, đồng thời tăng cường gắn kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đạt được nhiều kết quả đáng kể, tăng dần qua từng năm, diện tích và sản lượng lúa đặc sản đều đạt và vượt kế hoạch: sản lượng lúa thơm, đặc sản năm 2023 đạt 97,4% tổng sản lượng, đạt 115% so với nghị quyết, trong đó diện tích sản xuất lúa ST hàng năm trên 4.700ha, chiếm 26% diện tích. Thực hiện các hình thức liên kết tiêu thụ từ các doanh nghiệp, đại lý, thương lái, hợp tác xã trong 2 vụ lúa năm 2023 có 28.863ha được ký hợp đồng liên kết bao tiêu, chiếm 78% tổng diện tích, tăng 40,35 % so với năm 2020 (năm 2020 đạt 37,66%).

Thứ hai, hệ thống hạ tầng thủy lợi, trạm bơm được quan tâm đầu tư, cơ bản phục vụ nhu cầu sản xuất khép kín trên 61% diện tích, thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình mặn xâm nhập và kịp thời thông báo cho người dân chủ động trong sản xuất. Các trạm bơm đã mang lại hiệu quả trong sản xuất, chủ động bơm tác, quản lý tốt dịch hại, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, giảm công lao động và chi phí sản xuất (250.000 đồng - 350.000 đồng/ha so với khu vực ngoài trạm bơm). Góp phần hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu sản lượng, chất lượng cho các doanh nghiệp xuất khẩu, hạn chế thiệt hại trước tình hình thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra.

Thứ ba, tình hình xâm nhập mặn được chủ động theo dõi thường xuyên, trao đổi ban điều tiết nước Bạc Liêu và ban điều hành Âu thuyền Ninh Quới để kịp thời vận hành hạn chế mặn xâm nhập vào địa bàn thị xã Ngã Năm, không làm ảnh hưởng đến diện tích sản xuất lúa trên địa bàn thị xã.

Thứ tư, về sản xuất lúa giống, diện tích sản xuất lúa giống trên địa bàn gần 500ha (chủ yếu nhóm giống ST phục vụ cho sản xuất vụ Đông - Xuân) để đáp ứng một phần nhu cầu lúa giống tại địa phương... Còn lại nguồn lúa giống phục vụ sản xuất từ các viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm Giống Nông nghiệp Sóc Trăng, Công ty Giống cây trồng miền Nam, Công ty Giống cây trồng Trung ương, Tập đoàn Lộc Trời…

Thứ năm, trên cơ sở dự báo tình hình khí tượng thủy văn, khuyến cáo của ngành chuyên môn cấp tỉnh, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất cho từng vụ và triển khai kịp thời tập trung, đồng loạt, được sự đồng thuận cao của người dân nên thuận lợi cho việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Ngoài ra, thị xã khuyến khích người dân, đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất như hỗ trợ máy cấy lúa để sản xuất lúa giống chất lượng cung cấp cho người dân, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa được áp dụng ở hầu hết các xã, phường, cơ giới hóa trong khâu thu hoạch đạt trên 98% tổng diện tích, sử dụng các máy thu, cuốn rơm, tận thu nguồn rơm rạ sau thu hoạch để trồng nấm rơm, góp phần nâng cao thu nhập và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nguồn nước do rơm rạ phân hủy trên đồng ruộng và khí thải khi đốt đồng. Trên địa bàn thị xã hiện có một số mô hình được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả như: Mô hình cánh đồng mẫu liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa đặc sản từ Đề án Lúa đặc sản của tỉnh (thực hiện tại ấp Mỹ Hòa, xã Long Bình với diện tích 20ha); mô hình trồng lúa theo Đề án Hữu cơ của tỉnh (thực hiện trên địa bàn xã Vĩnh Quới và phường 2, với quy mô 20ha). Thực hiện các dự án: phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị lúa gạo của Hợp tác xã Nông nghiệp 4.0, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị trên lúa đặc sản: chuyển giao kỹ thuật trồng nấm trong nhà hở, nâng cao giá trị lúa đặc sản, sử dụng phụ phẩm từ trồng nấm rơm để sản xuất phân hữu cơ.

Bên cạnh đó, nhằm thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thị xã xây dựng các mô hình kết hợp như 3 cây 1 con (cây lúa, cây màu, bông súng, cây ăn trái kết hợp nuôi cá), mô hình cá - lúa, một số diện tích đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng mãng cầu gai nhằm khai thác tối đa tiềm năng của thị xã (Diện tích trồng mãng cầu trên địa bàn thị xã Ngã Năm hiện có 263ha, chiếm 15,05% tổng diện tích trồng cây ăn trái của thị xã, trồng nhiều nhất ở xã Vĩnh Quới với 231ha. Giá mãng cầu tươi cơ bản ổn định, bình quân 1ha mãng cầu, sau khi trừ chi phí người dân lợi nhuận hơn 152 triệu đồng/năm, cao hơn trồng lúa từ 78 - 88 triệu đồng/ha/năm). Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn với chế biến các sản phẩm nông nghiệp được quan tâm thực hiện và người dân tham gia, một số sản phẩm chủ yếu như: khô, mắm cá đồng, trà, mứt, bánh từ trái mãng cầu. Hiện nay, các sản phẩm này được tiêu thụ ổn định, mang lại giá trị và lợi nhuận tăng so với chuyên canh về trồng lúa. Qua thống kê sơ bộ, mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá đồng tăng lợi nhuận 15 triệu đồng/ha so với chuyên trồng lúa; các sản phẩm sau chế biến tạo ra giá trị gia tăng so với các sản phẩm tươi khá lớn, cụ thể: lúa - gạo tăng 25,46%, trái mãng cầu gai - mứt, trà tăng 42%, cá tươi - mắm tăng 52%.

Những kết quả đạt được như trên đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp (từ 140 triệu đồng/ha năm 2020 đến nay đạt 169 triệu đồng/ha), từ đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, việc sản xuất lúa chất lượng cao gắn với phát triển nông nghiệp bền vững của thị xã Ngã Năm thời gian qua vẫn còn một số khó khăn: Thị xã Ngã Năm có địa hình trũng thấp, thường xuyên bị xâm nhập mặn, hơn nữa những năm gần đây thời tiết cực đoan, mưa bão, triều cường gây ngập úng cục bộ kéo dài gây ảnh hưởng đến sản xuất lúa trên địa bàn, đặc biệt là 39% diện tích chưa được chủ động bơm tưới tập trung, khép kín. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến trên địa bàn không nhiều, chủ yếu kêu gọi từ nơi khác đến để thu mua sản phẩm thô nên giá trị gia tăng tạo ra không lớn, mối liên kết thiếu bền vững. Các mô hình trồng mãng cầu, nuôi cá đồng chủ yếu nhỏ lẻ, quy mô nông hộ, chưa tạo thành vùng nguyên liệu tập trung, nguyên nhân do hệ thống đê bao, bờ bao chưa hoàn chỉnh; nguồn lực của nông hộ còn hạn chế, nông dân chưa mạnh dạn chuyển đổi và chưa đầu tư máy móc vào khâu chế biến, năng lực xúc tiến thương mại còn hạn chế nên thị trường tiêu thụ chưa ổn định.

Để tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục các khó khăn, hạn chế, Đảng bộ thị xã Ngã Năm định hướng trong thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung phát triển lúa chất lượng cao, lúa đặc sản gắn với đầu tư hạ tầng thủy lợi và phát triển các mô hình bền vững theo hướng nâng cao chuỗi giá trị gắn với chế biến các sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, tập trung triển khai một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đầu tư hạ tầng thủy lợi, đặc biệt là các đê bao, trạm bơm nhằm đảm bảo sản xuất của người dân trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Hai là, phát triển các mô hình lúa cá kết hợp, khai thác lợi thế cá đồng của địa phương, vừa nâng cao thu nhập của người dân, vừa góp phần thích ứng với điều kiện ngập úng, xâm nhập mặn trên địa bàn thị xã. Bên cạnh đó, thực hiện và nhân rộng các mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn và theo nhu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp.

Ba là, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất lúa, đặc biệt là các thiết bị tưới tiêu và sơ chế, chế biến (lò sấy, xay xát) đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra tập trung xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn giảm phát thải nhà kính, tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Bốn là, tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án của tỉnh như: Đề án Lúa hữu cơ, Đề án Lúa đặc sản, Đề án Cây ăn trái, Chương trình OCOP. Đồng thời, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thị xã.

Năm là, tiếp tục quan tâm chỉ đạo cải tạo vườn tạp phát triển các mô hình kinh tế có giá trị cao, phù hợp với địa phương, nhất là mô hình trồng mãng cầu gai, phát triển các ngành nghề chế biến sản phẩm từ nguồn nguyên liệu cá đồng.

Đảng bộ thị xã kiến nghị: Tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư đê bao và thiết bị bơm tưới đối với 39% diện tích chưa được khép kín trên địa bàn thị xã (tương đương 7.215ha); tỉnh sớm triển khai Dự án Phát triển cá đồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn thị xã Ngã Năm; tỉnh có chính sách hỗ trợ ưu đãi về vốn và lãi suất: đầu tư cơ giới máy làm đất, thu hoạch, lò sấy, kho chứa... cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tiêu thụ, chế biến nông sản trên địa bàn để đảm bảo tiêu thụ kịp thời nông sản cho người dân.

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: