• Đời sống xã hội

Tạp bút:

Ký ức ngày cuối năm

08/02/2024 04:37 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 08/02/2024 | 04:37

STO - Một năm dài đã qua có nhiều điều đáng nhớ. Dòng chảy của thời gian cứ trôi mãi không ngừng. Năm mới sắp đến, chiều cuối năm tôi bâng khuâng với bao tiếc nhớ khi nghĩ đến thời gian qua đi không bao giờ trở lại…

1 - Vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, tỉnh lỵ Sóc Trăng tuy nhỏ nhưng khung cảnh rất yên bình. Tôi sinh ra và lớn lên ở Sóc Trăng nên đối với tôi nơi đây là chốn yêu thương nhất. Tuổi thơ của tôi ngày ấy thật êm đẹp. Có đi đâu xa một chút là rất nhớ. Ở xóm tôi mới bước qua tháng chạp đường phố nhộn nhịp hẳn lên. Nhìn bà con phơi kiệu trước nhà đã bắt đầu thấy mùi Tết. Trẻ nhỏ náo nức vì năm mới sắp đến. Có biết bao niềm vui như được mẹ sắm cho quần áo mới, ngày đầu năm được nhận tiền lì xì, cùng anh em rủ nhau đến rạp xem chớp bóng. Mấy ngày Tết, các rạp chớp bóng chia ra chiếu nhiều suất với phim khác nhau, bọn nhỏ chúng tôi coi mệt nghỉ!

Gần Tết ngoài chợ rất náo nhiệt, vui nhất là đi chợ đêm. Theo những người lớn tuổi kể lại, ngôi chợ Sóc Trăng có gần 130 năm. Ba gian nhà lồng của ngôi chợ quá đổi thân thiết với cuộc sống hằng ngày của tiểu thương. Có không ít gia đình gắn bó với ngôi chợ đã mấy đời. Có người sống ở chợ nhiều hơn ở nhà, hôm nào không ra chợ trong người bứt rứt không yên. Sau này, gia đình tôi có nhiều năm buôn bán tại chợ nên nơi đây có nhiều kỷ niệm khó quên. Năm nào bà con nông dân trúng mùa, tiểu thương vui mừng vì tình hình mua bán rất thuận lợi. Năm nào mùa màng thất bát, việc mua bán yếu kém thấy rõ.

Ngày Tết là dịp để gia đình đoàn tụ. Dù có đi đâu, những người con vẫn nhớ kỷ niệm yêu dấu nơi mình đã được sinh ra. Ai cũng mơ ước cuộc sống thịnh vượng hơn năm cũ. Đó là nguyện vọng hết sức bình thường, hợp lý. Ông bà ta ngày xưa có câu: “Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Nghĩ lại câu ấy chỉ đúng trong xã hội thời xưa còn lấy nông nghiệp làm nền tảng.

 2 - Ba ngày Tết về với gia đình đối với tôi là niềm vui vô tả. Mẹ tôi năm nay đã 94 tuổi. Người xưa cho rằng những người sống trên 90 tuổi trở lên được xếp vào hàng “đại thọ”. Chị em chúng tôi quá đổi hạnh phúc khi ở vào tuổi này vẫn còn có mẹ. Cha tôi mất sớm, mẹ thương các con nên vẫn ở vậy. Dù khó nhọc nhưng mẹ cứ lặng lẽ nuôi dạy chị em tôi khôn lớn và nên người. Có các con trở về đông đủ, mẹ vui lắm. Bao chuyện cũ kể lại râm ran không dứt. Có những cái Tết xa xưa các con không nhớ nhưng mẹ nhắc không sót chi tiết. Tôi như được sống lại tuổi thơ êm đềm trong ngôi nhà xưa của ông bà ngoại. Nhớ nhiều nhất những ngày cận Tết, bà ngoại và mẹ cặm cụi ngồi gói bánh tét. Ánh lửa bập bùng của nồi bánh tét giữa đêm cận Tết là một phần ký ức không thể nào quên trong đời. Người lớn tuổi thường hay nhớ về quá khứ. Mẹ nhắc cây mai già trước sân năm nào cũng nở hoa rực rỡ, ai đi ngang nhà cũng trầm trồ. Với tôi trong ba ngày Tết được sống trong tình yêu thương của gia đình thật hạnh phúc. Mẹ cho biết ở nông thôn ngày nay đời sống có nhiều tiện ích không khác chi ở thành thị. Vui vì cuộc sống bà con được nâng lên thấy rõ nhưng đôi lúc cũng thấy tiếc bởi có nhiều thứ mất đi bây giờ khó tìm lại được. Có một số tục lệ ngày Tết ngày trước rất phổ biến nay đã phai nhạt dần đi vì nhiều nguyên nhân.

Trong sâu thẳm của chúng ta, ai cũng muốn trong ngày đầu năm mới những người trong gia đình phải cùng có mặt bên nhau. Tết còn là dịp tưởng nhớ công lao của tổ tiên đã tạo dựng mọi thứ cho con cháu. Hương xuân cứ vương vấn mãi trong lòng. Từ tình yêu gia đình đã bắt nguồn để sau này tôi biết đến thứ lớn lao và thiêng liêng hơn: Đó là tình yêu quê hương, đất nước.

3 - Cuối năm thầy cũ dạy Quốc văn thời trung học của chúng tôi có về Sóc Trăng. Thầy nhắn một số học trò cũ đến quán uống cà phê. Thầy năm nay đã 84 tuổi nhưng sức khỏe còn tốt. Thầy trò ngồi bên nhau chuyện trò vui vẻ. Những câu chuyện dưới mái trường ngày xưa làm những người có mặt như trẻ lại. Không ngờ chúng tôi đã rời ngôi trường thân yêu của mình vừa đúng 50 năm. Người còn kẻ mất, thời gian qua đi có biết bao thay đổi, ngỡ như một giấc mộng dài. Ngày xưa trong giờ học, tôi còn nhớ thầy có đọc hai câu thơ của Hoàng Chu Tích:

“Ba Xuyên nào phải đất Giang Châu

Áo xanh Tư Mã chớ phai màu”.

Hai câu thơ thật hay, nhiều năm tôi vẫn nhớ.

Năm nào nhà trường cũng tổ chức làm đặc san Xuân. Thầy phụ trách thực hiện đặc san nên đốc thúc học sinh viết bài. Bạn nào có bài được chọn đăng vui sướng không thể tả vì cả trường đều biết. Những trang văn, bài thơ còn non nớt của các cây bút mầm non nhưng đó là bước khởi đầu. Sau này khi ra trường có một số bạn đã gắn bó với con đường văn chương. Những kỷ niệm đã cũ nhưng đối với học trò của thầy luôn là hình ảnh khó quên.

Ngày còn trẻ, đêm cuối năm tôi hay rong chơi trên đường phố để tận hưởng rộn ràng của những giờ phút tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới. Nhìn khung cảnh đoàn tụ của nhiều gia đình đầy ắp tiếng cười, mình cũng vui lây với hạnh phúc của người khác.

Tôi thật may mắn, trong đời chưa từng ăn Tết xa quê nên chưa biết cảm giác của người tha hương nhân dịp xuân về. Bạn tôi ở phương xa cho biết cứ mỗi lần Tết đến lại nhớ gia đình da diết. Ở xứ người vào đêm cuối năm không có chút hương xuân, bạn ngồi lặng lẽ nhớ bao kỷ niệm cũ. Nhớ những người thân yêu cách xa nửa vòng trái đất. Quê nhà đã mờ xa chỉ còn trong trí nhớ!

​Mùa xuân sắp về rồi đó. Tôi nhớ lại mấy câu thơ cũ của mình:

“Chẳng đợi xuân vẫn đến

Thì thôi ta cứ mừng

Vội vàng nâng chén rượu

Nghĩ chuyện đời mông lung”

Tôi vẫn yêu những ngày Tết dù bây giờ tuổi tác không còn trẻ nữa. Ngày cuối năm suy nghĩ vẩn vơ. Bao kỷ niệm xưa ùa về, vui buồn lẫn lộn.

TUẤN BA

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: