• Đời sống xã hội

Vui mùa bống trứng

20/09/2023 04:29 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 20/09/2023 | 04:29

STO - Mỗi năm, cứ vào độ tháng 7 âm lịch, mưa đã già, nước từ trên thượng nguồn đổ về càng lớn, chuyển màu một cách nhanh chóng, từ trong xanh sang đỏ đục. Đó cũng là lúc người dân quê tôi đón nhận những sản vật mà dòng sông Cửu Long ban tặng, đặc biệt là cá bống trứng.

Cùng họ với cá bống dừa nhưng cá bống trứng lại có nhiều điểm khác biệt. Nếu như cá bống dừa có mặt quanh năm trong các kênh mương, sông rạch thì cá bống trứng lại chỉ xuất hiện vài tháng nước nổi (những tháng mùa khô thỉnh thoảng vẫn có nhưng số lượng rất ít). Cá bống dừa thì thân to hơn cá bống trứng, tập tính lại thích ăn tạp, trong khi cá bống trứng lại rất hiền, chúng chủ yếu là ăn bọt nước và các sinh vật phù du.

Mùa cá bống trứng bắt đầu từ độ tháng 6 âm lịch, khi nước từ trên thượng nguồn đổ về, nhưng rộ nhất vẫn là vào tháng 7 âm lịch. Cá bống trứng sinh sống chủ yếu ở các dòng kênh, con sông có lưu lượng nước lớn. Có rất nhiều cách để đánh bắt cá bống trứng. Ở chỗ tôi chủ yếu là đi vớt cá trên sông, rạch.

Ở quê, phần lớn nhà nào cũng có ghe xuồng, đây là phương tiện không thể thiếu khi đi vớt cá. Ngoài ra, người vớt cá cần chuẩn bị một cái vợt hoặc cái rổ. Vợt vớt cá thường lấy lưới quấn vào một thanh sắt cuốn tròn, sau đó cố định vào một tay cầm bằng tre hoặc trúc. Người vớt cá cũng cần chuẩn bị đèn pha đội đầu, vì việc vớt cá chủ yếu chỉ diễn ra vào ban đêm, trời càng tối thì cá càng trúng.

Thành quả sau 1 đêm vớt cá. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Mỗi tháng, việc vớt cá thường diễn ra vào con nước rong rằm và ba mươi âm lịch. Ngoài con nước lớn thì cũng còn nhiều yếu tố tác động đến thu hoạch của người vớt cá. Trước khi vớt, trời càng mưa to, nước càng đổ mạnh, có nhiều lục bình hoặc cỏ trên sông thì cá càng chạy hoặc như nước rong lớn tràn bờ, người dân phải mở các cống bọng xả nước ra sông thì cá cũng nhiều theo. Theo các cụ cao niên có nhiều kinh nghiệm vớt cá kể lại, cá bống trứng thường sống trong cỏ, lục bình ở các đoạn sông nước ít chảy, khi nước rong dòng chảy mạnh, cá sẽ trôi theo nước ra sông, rạch, chừng đó tha hồ mà vớt.

Việc vớt cá trúng hay thất ngoài yếu tố thiên thời, địa lợi thì cũng đảm bảo yếu tố nhân hòa, tức là kinh nghiệm của người vớt cá. Người vớt cá giỏi thường xác định đúng thời điểm và vị trí ra sông vớt cá. Vớt cá bống trứng diễn ra chủ yếu lúc nước ròng, thường là ròng nửa sông. Có người thì thả trôi ghe xuồng theo con nước, một người giữ lái, một người vớt cá, còn ai kinh nghiệm nhiều thì chọn đúng luồn cá đi, cho thả neo một chỗ để vớt cá.

Vào mùa vớt cá bống trứng, dòng sông quê tôi nhộn nhịp hẳn lên. Cứ chiều xuống là cả xóm lại í ới rủ nhau đi vớt cá. Ánh đèn pha đầy mặt sông như những vì sao xa trên bầu trời lấp lánh. Có rất nhiều người vớt cá nhưng chưa bao giờ xảy ra tranh cãi hay giành giật vị trí vớt. Mỗi người chọn cho mình một vị trí thích hợp để vớt, tùy theo sở thích và kinh nghiệm. Có người rọi đèn trên mặt nước gặp cá là vớt, có người thì đưa vợt hoặc rổ hứng lấy các dề lục bình hay đám cỏ trôi theo con nước để tìm bắt cá. Nghĩ cũng lạ, người đầu trên, kẻ đầu dưới nhưng phần lớn đều vớt được cá như nhau. Bởi khi gặp ánh đèn cá lại lặn xuống nhưng rồi cũng nhanh chóng nổi lên mặt nước. Vậy là thoát được người trước nhưng cũng không thể qua được ải của người sau.

Cá bống trứng dù nhỏ nhưng thịt rất thơm ngon, đặc biệt là cặp trứng không to nhưng ăn rất béo. Hồi trước, ở quê cá nhiều vô số kể, có người đi vớt cho vui, ăn không hết đem đi ủ phân tưới rau cải. Giờ cá ít dần, giá cả lại cao, trở thành món ăn đặc sản nên sau mỗi đêm vớt người nào trúng nhất cũng chỉ được vài ba ký, không đủ cho thương lái cân cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn.

Ngon thì rất ngon nhưng nhiều người lại e ngại khi làm cá, vì cá bống trứng nhỏ, làm rất lâu. Ở quê tôi, mấy dì, mấy chị có mẹo làm cá sạch trơn nhưng rất ít tốn công. Cá bống trứng khi bắt về đem bỏ vào rổ tre, ra sau nhà hái thêm nắm lá tre, bỏ thêm ít tro bếp vào, sau đó lấy tay chà mạnh, đem rửa lại với nước sạch là cá tróc vẩy, trắng tinh, sạch trơn, đem vào bếp chế biến ngay. Cá bống trứng có thể chế biến thành nhiều món ăn, nhưng thông dụng nhất vẫn là kho sả ớt hay kho tiêu hoặc đem chiên giòn cuốn bánh tráng với bún rau, chấm nước mắm chua. Đơn giản mà ngon, chỉ một lần thưởng thức là không bao giờ quên được.

Giờ thì mùa nước nổi quê tôi đã không còn tràn bờ như trước, nước cũng nghèo phù sa nên cá bống trứng và cá tôm cũng ít dần. Dù vậy, người dân quê tôi vẫn không từ bỏ cái nghề đã gắn bó với họ từ bao đời nay. Có lẽ, tình yêu làng quê đã thấm sâu vào trong máu, trong tim họ, vượt lên mọi thứ vật chất tầm thường. Vớt cá không đơn thuần là một cái nghề để mưu sinh mà còn là cách để họ thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.

​QUÁCH TẤN THUẦN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: