• Huyện Long Phú

Huyện Long Phú:

Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất lúa

18/12/2023 04:07 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 18/12/2023 | 04:07

STO - Thời gian qua, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong việc sản xuất lúa, như: chọn những giống có chất lượng, năng suất cao, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, từng bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, quy mô lớn để giúp người nông dân dễ dàng trong tiêu thụ sản phẩm làm ra.

Chọn giống lúa chất lượng và năng suất cao

Theo đồng chí Lâm Văn Vũ - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú, năm 2023, toàn huyện xuống giống được trên 36.000ha, vượt 13,21% kế hoạch, lúa đặc sản trên 20.000ha, vượt 42,69% kế hoạch; lúa đặc sản, chất lượng cao trên 35.000ha, 23,01% kế hoạch. Năm qua, năng suất bình quân đạt 5,99 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 215.589 tấn; sản lượng lúa thơm, đặc sản 120.741 tấn. Trong đó, vụ lúa Đông - Xuân, thu hoạch 16.042,22ha, năng suất bình quân 5,94 tấn/ha, sản lượng 95.355 tấn. Các giống gieo sạ chủ yếu ST25, Đài Thơm 8, OM 5451, RVT… Diện tích lúa thơm, đặc sản trên 12.698ha, lúa chất lượng cao trên 3.212ha và lúa thường 130,9ha, chiếm 0,82%. Giá lúa tươi thương lái mua tại ruộng đối với lúa thường 6.200 - 6.500 đồng/kg, đối với lúa thơm 6.600 - 7.000 đồng/kg, riêng giống ST25 giá bán 7.200 - 7.600 đồng/kg, đối với lúa thường tăng 700 - 900 đồng/kg, lúa thơm tăng 800 - 1.000 đồng/kg so cùng kỳ.

Vụ lúa Đông - Xuân muộn, nông dân huyện Long Phú tự phát xuống giống và thu hoạch dứt điểm với diện tích là 3.942,42ha, trong đó, vùng dự án thủy lợi Kế Sách 306,69ha, vùng đê bao thủy lợi Long Phú - Tiếp Nhựt là 3.635,73ha, ước năng suất bình quân 6,99 tấn/ha lúa khô, sản lượng 27.557 tấn. Các giống gieo sạ chủ yếu OM 5451, Đài Thơm 8, RVT… Diện tích lúa thơm, đặc sản trên 2.000ha, chiếm 51,78% diện tích xuống giống; lúa chất lượng cao trên 1.700ha, chiếm 44,18% và lúa thường 159,16ha, chiếm 4,04%. Giá lúa tươi thương lái mua tại ruộng đối với lúa thơm từ 6.500 - 7.500 đồng/kg, đối với lúa thường 6.200 - 7.000 đồng/kg.

Riêng vụ lúa Hè - Thu, huyện Long Phú đã thu hoạch dứt điểm 16.017,32ha, năng suất ước đạt 5,8 tấn/ha, ước sản lượng 92.740 tấn. Các giống gieo sạ chủ yếu OM 5451, Đài Thơm 8, OM 18, ST25… Diện tích lúa thơm, đặc sản 5.361,3ha, chiếm 33,47%; lúa chất lượng cao trên 10.600ha, chiếm 66,27% và lúa thường 40,78ha, chiếm 0,25%. Giá lúa tươi thương lái mua tại ruộng đối với lúa thơm từ 7.600 - 8.400 đồng/kg, đối với lúa thường từ 7.100 - 8.200 đồng/kg; đối với lúa thường và lúa thơm nhẹ tăng 1.700 - 2.600 đồng/kg, riêng lúa đặc sản ST25 tăng 800 - 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Đối với vụ Đông - Xuân 2023 - 2024, đến nay xuống giống được 15.837,28ha, lúa giai đoạn mạ 43ha, đẻ nhánh 6.866,72ha, đòng 7.661,7ha và trổ 1.283,16ha, chín 25ha. Các giống gieo sạ chủ yếu Đài Thơm 8, VNR 20, OM 18, OM 5451, ST25…

Ông Trương Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi (bên trái) xuống kiểm tra các thành viên hợp tác xã bón phân theo nguyên tắc 4 đúng. Ảnh: KIM NGỌC

 Đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất

Trong những năm qua, các chương trình, dự án trên cây lúa đã và đang được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Long Phú, góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất truyền thống sang áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sử dụng giống lúa xác nhận, các giống đặc sản để sản xuất, gắn với liên kết tiêu thụ ngày càng được nhân rộng, từ đó nâng cao chất lượng lúa gạo. Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Long Phú xuất hiện nhiều mô hình, như sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy mô 1.150ha/704 hộ; sử dụng phân hữu cơ bón lót vào đầu vụ với số lượng 300kg/ha/vụ kết hợp với bón phân vô cơ theo các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa với mục tiêu cải tạo độ phì nhiêu của đất, tăng khả năng phát triển bộ rễ, giúp cây lúa hấp thu dinh dưỡng tốt hơn, giảm lượng phân vô cơ, đặc biệt là giảm chi phí sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, trên địa bàn huyện Long Phú xuất hiện mô hình giảm ảnh hưởng phát thải khí nhà kính quy mô lên đến 60ha/24 hộ, xã Long Phú; mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ quy mô 20ha ấp Phú Đức, xã Long Phú và mô hình sản xuất lúa thơm ST25 gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, quy mô 20ha/20 hộ ấp Lợi Hưng, xã Long Đức… Năm 2023, ngành Nông nghiệp đã tổ chức được 26 lớp tập huấn kỹ thuật với 676 người tham dự về kỹ thuật sản xuất lúa 1 phải 5 giảm, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ…

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: KIM NGỌC

Mô hình thực hiện trên 104/609ha diện tích trồng lúa của Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, ấp An Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú với trên 100 hộ tham gia, sử dụng giống lúa ST25 và được hỗ trợ 50% giống, 100% phân hữu cơ bón lót đầu vụ và một phần thuốc sinh học, tham gia mô hình nông dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật như sử dụng giống lúa có chất lượng cao, sạ hàng; sử dụng phân hữu cơ được ủ hoai mục để bón lót; tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học mà chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phân khoáng và phân bón lá trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng lúa, huyện Long Phú còn đẩy mạnh cơ giới hóa được áp dụng 100% trong khâu làm đất, gần 100% diện tích thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp với vận chuyển, trừ những vùng trũng máy không hoạt động được. Việc gieo sạ theo phương pháp truyền thống từng bước thay thế bằng hình thức sạ hàng hoặc sạ bằng máy phun hạt; khoảng 40% diện tích phun thuốc bằng Drone… Việc ứng dụng cơ giới hóa giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất, đặc biệt là khắc phục kịp thời nguồn lực lao động nông nghiệp đang dần khan hiếm như hiện nay.

Tìm đầu ra ổn định cho hạt lúa

Thời gian qua, tình hình liên kết tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn huyện Long Phú chủ yếu thông qua tổ chức hợp tác xã. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 15 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất lúa, với tổng diện tích sản xuất khoảng 2.260ha. Có 2 hợp tác xã tiêu biểu thực hiện liên kết ổn định với các doanh nghiệp như Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi liên kết với Công ty Cổ phần Gạo Ông Thọ tiêu thụ sản phẩm lúa đặc sản ST25, vụ lúa Hè - Thu liên kết tiêu thụ 85ha và vụ lúa Đông - Xuân 2023 - 2024 tăng diện tích liên kết lên 120ha. Hình thức liên kết là nông dân tham gia phải sử dụng giống lúa ST25 cấp xác nhận của Doanh nghiệp tư nhân Thương mại Dịch vụ Hồ Quang cung cấp, lượng giống gieo sạ 100kg/ha, phương pháp sạ hàng và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; Công ty Cổ phần Gạo Ông Thọ cung cấp lúa giống, tạm ứng tiền đầu tư 3 triệu đồng/ha và trừ tiền lại khi nông dân bán lúa cho công ty. Đồng thời, Công ty Cổ phần Gạo Ông Thọ cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ cho bà con nông dân từ khi gieo sạ đến khi thu hoạch. Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Công liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn ADC cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên hợp tác xã, quy mô liên kết 110ha.

Qua đây có thể thấy rằng, sản xuất lúa trên địa bàn huyện Long Phú không chỉ đạt được sản lượng lớn, mà hiệu quả sản xuất cũng ngày càng được nâng cao. Với sự quan tâm hỗ trợ tích cực của ngành Nông nghiệp, nông dân đã đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật để hạ giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đang từng bước tìm được nơi tiêu thụ ổn định.

KIM NGỌC

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: