• Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nhớ Bác ngày này, năm xưa:

76 năm tác phẩm Đời sống mới

20/03/2023 11:50 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 20/03/2023 | 11:50

STO - Cách đây 76 năm, ngày 20/3/1947, với bút danh Tân Sinh, Bác Hồ hoàn thành cuốn sách Đời sống mới. Cuốn sách nhỏ, với gần 5.800 từ, tuy nội dung ngắn gọn, súc tích, nhưng đó là sự kết tinh thể hiện những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về đời sống mới và xây dựng đời sống mới. Nội dung cuốn sách Đời sống mới được kết cấu thành 19 mục (thể hiện bằng số La Mã, từ mục I đến XIX), trình bày dưới dạng hỏi - đáp; điều đặc biệt là dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ áp dụng.

Một số ảnh bìa của tác phẩm Đời sống mới đã được xuất bản, tái bản và bìa Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “70 năm tác phẩm Đời sống mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giá trị lý luận thực tiễn trong phong trào xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị”.

Như chúng ta đã biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh trọn đời phấn đấu, hy sinh cho mục tiêu xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, giàu mạnh, văn minh; tất cả những người dân được tự do, ấm no, hạnh phúc. Sau ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời, ngoài việc bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, chống thù trong, giặc ngoài, nhưng Bác Hồ lúc bấy giờ đã có sự quan tâm rất đặc biệt đến việc xây dựng đời sống mới trong nhân dân. Ngày 3 tháng 4 năm 1945, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 44 thành lập Ban Trung ương vận động đời sống mới gồm các đồng chí: Đoàn Tâm Đan, Nguyễn Quang Oánh, Trần Huy Liệu, Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Tấn Di Trọng, Nguyễn Huy Tưởng, Đỗ Đức Dục, Phạm Biểu Tâm, với các tiểu ban trực thuộc ở các địa phương. Chương trình hành động của Ban Trung ương vận động đời sống mới phải được Hội đồng Chính phủ duyệt trước khi thi hành; hàng tháng, Ban phải báo cáo công việc với Bộ trưởng Nội vụ. [3]

Ngay trong lời Tựa của tác phẩm, Bác đã khẳng định, mục đích ra đời của tác phẩm đó là: “Trong lúc kháng chiến cứu quốc chúng ta phải đồng thời kiến quốc. Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc”. “Đó là một quyển sách nhỏ, chỉ rõ bước đường đời sống mới. Tôi mong đồng bào ta mỗi người có một quyển Đời sống mới để xem, để hiểu, để thực hành đời sống mới”. [4]

Về mục đích của tác phẩm Đời sống mới, Bác viết: “Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích đời sống mới”. [5]

Phần nội dung xây dựng đời sống mới trong tác phẩm, được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: “Đời sống mới không phải cao xa gì, cũng không phải khó khăn gì. Nó không bảo ai phải hy sinh chút gì.

Nó chỉ sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc.

Sửa đổi được những điều đó, thì mọi người đều được hưởng hạnh phúc. Mà chắc sửa đổi được, vì nó không có gì là gay go, khó làm”. [6]

Về phương châm và phương pháp xây dựng đời sống mới của tác phẩm. Trước hết là về phương châm, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới.

Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam.

Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi.

Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước.

Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm. Thí dụ: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp”. [7]

Về phương pháp xây dựng đời sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: “Trước hết, phải tuyên truyền, giải thích và làm gương. Phải chịu khó nói rõ cho mọi người hiểu đời sống mới có ích thế nào, cách thi hành đời sống mới thế nào. Nói một lần họ chưa hiểu thì nói nhiều lần.

Nói đi, nói lại, bao giờ người ta hiểu, người ta làm mới thôi.

Nói thì phải nói một cách giản đơn, thiết thực với hoàn cảnh mỗi người; nói sao cho người ta nghe rồi làm được ngay. Việc dễ, việc nhỏ làm được rồi, sẽ nói đến việc to, việc khó.

Có người tuyên truyền đời sống mới mà đem nào “khách quan, chủ quan”, nào “tích cực, tiêu cực”, nào “khoa học hóa” và gì gì hóa. Nghe thì hay thật, nhưng chẳng mấy người hiểu là nói cái gì. Mà người nào hiểu thì có cảm tưởng rằng đời sống mới là một điều cao xa, oanh liệt, khó làm.

Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước.

Tuyên truyền đời sống mới cũng như tuyên truyền việc khác, phải hăng hái, bền gan, chịu khó, đồng thời phải cẩn thận, khôn khéo, mềm mỏng”. [8]

Về ý nghĩa và giá trị của tác phẩm Đời sống mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta, đó chính là một tác phẩm tiêu biểu với những chỉ dẫn vô cùng quý báu, có cả giá trị về lý luận và thực tiễn trên nhiều lĩnh vực. Qua tác phẩm, chúng ta học được tư tưởng, tấm gương, đạo đức của Người về đạo đức cách mạng, về đời sống mới và xây dựng đời sống mới. Mặc dù trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng với tinh thần trách nhiệm, Bác vẫn dành thời gian viết tác phẩm Đời sống mới, góp phần quan trọng vào việc động viên, giáo dục và tổ chức cho các tầng lớp nhân dân trên mọi miền Tổ quốc phát huy giá trị tuyền thống tốt đẹp cần, kiệm, liêm, chính trong đời sống hàng ngày. Từ đó, tạo được sức mạnh nội sinh, tiến hành cuộc kháng chiến và kiến quốc thành công vĩ đại, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị quý báu tác phẩm Đời sống mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Từng bước vươn lên khắc phục những hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống với giá trị hiện đại” [1]. Từ đó, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người dân Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao” [2] …

TRỌNG NHÂN

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, năm 2021, tập 1, trang 143.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, năm 2021, tập 1, trang 112.

[3] Cục Lưu trữ Nhà nước.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2011, tập 5, trang 112.

[5], [6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2011, tập 5, trang 113.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2011, tập 5, trang 112-113.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2011, tập 5, trang 125-127.

[9] Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “70 năm tác phẩm Đời sống mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giá trị lý luận thực tiễn trong phong trào xây dựng nông thôn mới và văn minh đô thị” Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, năm 2017.

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: