• Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sóc Trăng quyết tâm thực hiện thành công các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025

19/04/2023 09:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 19/04/2023 | 09:00

STO - Ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trên cơ sở đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 16-HD/BTGTW, ngày 27/7/2021 về học tập Chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Hướng dẫn số 16-HD/BTGTW yêu cầu “Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, cấp ủy các cấp cụ thể hóa Chuyên đề toàn khóa, biên soạn thành các chuyên đề hằng năm, hướng dẫn tổ chức đảng trực thuộc thực hiện, đưa vào học tập và sinh hoạt chi bộ, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trong nhiệm kỳ 2021 - 2025”.

Bài 2. ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ, CHĂM LO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT VÀ TINH THẦN CHO NHÂN DÂN

Năm 2022 với chuyên đề: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phồn vinh, hạnh phúc của các dân tộc tỉnh Sóc Trăng”, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân đã nỗ lực quyết tâm, vượt qua khó khăn, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2022; tạo tiền đề vững chắc để tiếp tục thực hiện thành công Chuyên đề năm 2023.

Từ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đẩy mạnh phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân

Ngày 21/1/1946, trả lời các nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Trong Di chúc, Bác Hồ viết: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bà con dân tộc thiểu số Cao Bằng nhân dịp Người thăm địa phương, tháng 12/1951. Nguồn: Hồ Chí Minh Toàn tập (CD-ROM)

Đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đẩy mạnh phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trước hết, đó chính là phải chí công vô tư: “lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào”. Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, Bác dạy, làm cán bộ, đảng viên là phải: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. Đó cũng là biểu hiện của đạo đức cách mạng”. Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ khi nói về đạo đức cách mạng, đó là: “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”.

Khi được hỏi mục đích của chủ nghĩa xã hội là gì, Hồ Chí Minh trả lời: “Nói một cách giản đơn và dễ hiểu là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”. Từ đó, Hồ Chí Minh diễn đạt thành những tiêu chí cụ thể: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước phải trải qua nạn đói khủng khiếp, Hồ Chí Minh chủ trương tăng gia sản xuất, mỗi người mười ngày nhịn ăn một bữa để góp gạo cứu đói và Người cũng đổ lon gạo của mình vào hũ tiết kiệm như mọi người dân. Trong Di chúc thiêng liêng, Người viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Theo Bác: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân”.

Đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đẩy mạnh phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân mà Đảng ta và tỉnh nhà tiếp tục kế thừa, phát triển.

Đến quan điểm của Đảng ta và Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân

1. Kế thừa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế và chăm lo đời sống nhân dân đã được Đảng và Nhà nước ta vận dụng, cụ thể hóa trong các văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng qua từng thời kỳ.

Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo) đã vạch rõ tính chất nhiệm vụ, đối tượng của những người Cộng sản là làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Nhiệm vụ của cách mạng đó là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp và bọn phong kiến, phản động làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, nhân dân được tự do, được chia ruộng đất,...

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2/9/1945), quan điểm về phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho nhân dân được Đảng, Nhà nước cụ thể hóa bằng các chính sách thời chiến, chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược được thể hiện ở chính sách về kinh tế là “Bảo vệ, phát triển nền tảng kinh tế của ta, đấu tranh kinh tế với địch”, thực hiện “chính sách ruộng đất”, “người cày có ruộng”; “Thi đua tăng gia sản xuất”. Đối với đời sống nhân dân, “Đẩy mạnh các phong trào Thi đua ái quốc”. Trước hết là bộ đội thi đua diệt giặc lập công, hai là nhân dân thi đua tăng gia sản xuất, “…phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (2/1951) nêu rõ: “Kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác xã hợp thành bộ phận xã hội hóa và phải đóng một vai trò quyết định trong nền kinh tế quốc gia”. Chăm lo đời sống cho nhân dân thông qua các quan điểm của Đảng về chính sách văn hóa, giáo dục là: tổ chức, động viên mọi lực lượng văn hóa, phát triển văn học, khoa học, nghệ thuật, diệt nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa của nhân dân; cổ động nhân dân thực hành đời sống mới; cổ động và phát triển đạo đức dân chủ mới, “tăng gia sản xuất để cung cấp cho nhu cầu kháng chiến và cải thiện dân sinh, đặc biệt là cải thiện đời sống của nhân dân”. Từ Đại hội III, IV và V chủ trương về xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội đều được Đảng ta đặc biệt quan tâm.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12/1986) của Đảng đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong phát triển tư duy lý luận của Đảng trên cơ sở nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, khẳng định tiếp tục thực hiện đường lối chung của cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa do các Đại hội lần thứ IV và lần thứ V của Đảng xác định trên tinh thần đổi mới toàn diện, nhất là đổi mới tư duy, trước hết là tư duy về kinh tế.

Tiếp tục đẩy mạnh đường lối đổi mới của Đảng, Đại hội lần thứ VII của Đảng chỉ rõ: Tiếp tục xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và đổi mới quản lý kinh tế. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân. Xuất phát từ mục tiêu, phương hướng cơ bản và lâu dài, Cương lĩnh năm 1991 được Đại hội lần thứ VII của Đảng thông qua. Các kỳ Đại hội Đảng lần thứ VIII, IX, X, XI, XII, quan điểm, đường lối, chiến lược phát triển đất nước ngày càng được bổ sung, làm rõ lý luận, phù hợp, đúng với xu thế phát triển trong từng giai đoạn.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Đồng thời, định hướng phát triển đến năm 2030: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững đất nước; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và đại biểu tham dự Hội nghị nghiên cứu, quán triệt Chuyên đề năm 2023. Ảnh: THIỆN HẢI

2. Chủ trương của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đều xác định, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Từ ngày tái lập tỉnh (năm 1992), qua các kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh luôn xác định, phát triển nông nghiệp là nền tảng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thủy sản là kinh tế mũi nhọn; tập trung phát triển, tạo sự đột phá trong sản xuất công nghiệp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới; …tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, công bằng xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Từ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đến nay, tình hình thế giới có nhiều biến đổi nhanh chóng, phức tạp, tình hình trong nước có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là thế giới chuyển biến mạnh mẽ về khoa học, công nghệ, cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư tác động lớn đến phát triển kinh tế, đời sống nhân dân, các chủ trương của Tỉnh ủy vẫn giữ vững quan điểm, mục tiêu đã xác định và có nhiều sự điều chỉnh cho phù hợp; phát huy tiềm năng, lợi thế, kết hợp với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại với đổi mới, sáng tạo và phát triển văn hóa tinh thần để phát triển bền vững.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt Chuyên đề năm 2023. Ảnh: THIỆN HẢI

Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh với phương châm chỉ đạo trong suốt nhiệm kỳ 2020 - 2025 đó là: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới”, theo đó, mục tiêu tổng quát liên quan đến việc đẩy mạnh phát triển kinh tế; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân cũng được xác định rất cụ thể đó là: “Đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội”. Điều đáng quan tâm, đó chính là, trong 22 chỉ tiêu cụ thể, có đến hơn 2/3 chỉ tiêu liên quan đến việc phát triển kinh tế và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Các chỉ tiêu còn lại, xét cho cùng cũng liên quan đến nhân dân. Sau Đại hội (tháng 10 năm 2020) đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề liên quan đến việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội,… Từ đó, HĐND, UBND, ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các ngành đã triển khai và thực hiện có hiệu quả.

TRỌNG NHÂN

(Còn tiếp)

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN:

[1] Bộ Chính trị, Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

[2] Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng, Chuyên đề năm 2023: “Sóc Trăng phát huy ý chí tự lực, tự cường, đẩy mạnh phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, xuất bản từ năm 1997 - 2016.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị Quốc gia, 2021.

[5] Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ từ năm 1992 - 2020.

[6] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, 5, 9, 11, 12, 13, 15, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2011.

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: