• Các Dự án đầu tư xây dựng công trình trọng điểm Sóc Trăng

Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng:

Cơ hội để Sóc Trăng tổ chức không gian phát triển mới, hoạch định tầm nhìn chiến lược toàn diện

17/06/2023 04:51 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 17/06/2023 | 04:51

STO - Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ được khởi công vào ngày 17/6/2023. Nhân dịp này, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng về quan điểm phát triển, tầm vóc của dự án.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu. Ảnh: QUANG BÌNH

Phóng viên: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là dự án quan trọng. Vậy xin đồng chí cho biết về công tác chuẩn bị đầu tư dự án của tỉnh?

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu: Nhận thức được tầm quan trọng của Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đối với tỉnh Sóc Trăng nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung nên ngay từ đầu, Tỉnh ủy, UBND đã chủ động triển khai các công việc đối với Dự án thành phần 4 (đoạn đi qua địa bàn tỉnh). Theo đó, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo (do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban) vào tháng 3/2022 để phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản; trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, Tỉnh ủy tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo và thành lập 3 tổ giúp việc, gồm: Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; Tổ giải phóng mặt bằng; Tổ tuyên truyền vào tháng 9/2022 nhằm để: phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện; chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương đẩy nhanh giải quyết các thủ tục, tháo gỡ các vướng mắc nhằm đảm bảo tiến độ dự án. Trên cơ sở mốc thời gian đề ra tại Nghị quyết số 91/NQ-CP, ngày 25/7/2022 của Chính phủ, UBND tỉnh ban hành kế hoạch chi tiết đến khi khởi công dự án, trong đó có giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị nhằm góp phần triển khai thực hiện dự án đúng theo kế hoạch đề ra.

Ngay sau khi Nghị quyết số 91/NQ-CP được ban hành, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý Dự án 2 làm chủ đầu tư Dự án thành phần 4, tổ chức rà soát đảm bảo điều kiện năng lực và chỉ đạo chủ đầu tư triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện theo cơ chế đặc thù của dự án. Kết quả đã phê duyệt dự án vào ngày 16/1/2023; dự án có 1.794 hộ bị ảnh hưởng với diện tích khoảng 331ha, đã niêm yết phương án bồi thường, hỗ trợ được 17/17 xã, phường, thị trấn; kết quả lấy ý kiến các hộ dân đồng thuận đạt tỷ lệ cao. Đã tiến hành chi trả từ ngày 17/5/2023; đã hoàn thành các công tác chuẩn bị, đủ điều kiện khởi công vào ngày 17/6/2023… Nhìn chung công tác chuẩn bị đầu tư đều hoàn thành đạt và trước mốc thời gian đề ra theo kế hoạch chi tiết cũng như yêu cầu của Nghị quyết số 91/NQ-CP.

Phóng viên: Với ý nghĩa và tầm quan trọng nêu trên, đặc biệt lần đầu áp dụng phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản thì đâu là những thách thức mà tỉnh đã vượt qua để dự án khởi công đúng tiến độ?

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu: Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1 là dự án đầu tiên mà UBND tỉnh được phân cấp làm cơ quan chủ quản, có quy mô rất lớn, tính chất phức tạp, yêu cầu thời gian triển khai hoàn thành dự án ngắn. Trong quá trình triển khai thực hiện phải phối hợp chặt chẽ với nhiều bộ, ngành, địa phương có liên quan, áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nên ban đầu gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định, như việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (quá trình thực hiện phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương có liên quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải và bộ, ngành liên quan); khó khăn về nguồn cung vật liệu đá, cát xây dựng… Nhưng với sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng như các đơn vị, địa phương trong tỉnh; sự hỗ trợ nhiệt tình của các tỉnh bạn, bộ, ngành Trung ương; sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ nên đã từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện khởi công dự án vượt mốc thời gian đề ra như đã nêu trên.

Nhân dịp này, thay mặt Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, b, ngành Trung ương đã quan tâm, giúp đỡ tỉnh trong thời gian qua.

Phóng viên: Định hướng trong thời gian tới thì tỉnh dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện những giải pháp nào để thực thi tốt các bước triển khai tiếp theo, thưa đồng chí?

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu: Theo Nghị quyết số 91/NQ-CP, ngày 25/7/2022 của Chính phủ thì dự án phải cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Do vậy, để tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được, thời gian tới Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ tiếp tục đề ra những giải pháp phù hợp. Trong đó sẽ tập trung lập kế hoạch chi tiết các công việc cần phải triển khai từ khi khởi công đến hoàn thành dự án theo các mốc thời gian của Nghị quyết số 91/NQ-CP để làm cơ sở theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về ý nghĩa, tầm quan tọng của dự án để tạo sự đồng thuận và ủng hộ của người dân địa phương trong quá trình thực hiện. Hồ sơ thủ tục cơ bản chính xác ngay từ đầu, hạn chế tối đa việc điều chỉnh, bổ sung làm ảnh hưởng tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Bên cạnh đó, khâu lựa chọn nhà thầu là quyết định phần lớn, nên chỉ đạo hoạt động tổ chức lựa chọn nhà thầu phải chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy định để chọn được nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện thi công các gói thầu của dự án; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu thực hiện theo đúng tiến độ của hợp đồng đã ký kết. Giải ngân ngay sau khi có khối lượng, tạo điều kiện thuận lợi nguồn tài chính cho các nhà thầu; khen thưởng, động viên kịp thời các nhà thầu triển khai vượt tiến độ, đạt yêu cầu về chất lượng; đồng thời cương quyết xử lý kịp thời các nhà thầu triển khai không đạt tiến độ, các yêu cầu theo hợp đồng đã ký theo quy định. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh bạn, gồm: An Giang, Hậu Giang, thành phố Cần Thơ và tranh thủ tối đa sự hỗ trợ về chuyên môn, kinh nghiệm của các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Giao thông Vận tải để hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn chung của toàn dự án.

Phóng viên: Thưa đồng chí, tỉnh Sóc Trăng sẽ có định hướng, kế hoạch như thế nào để khai thác tốt nhất vai trò của trục động lực cao tốc khi dự án hoàn thành?

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu: Như chúng ta đã biết, việc đầu tư tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ hình thành tuyến cao tốc trục ngang theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và kết nối với các tuyến đường chính trục dọc tạo thành hệ thống mạng lưới các tuyến đường có năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển giữa các vùng, miền, tạo liên kết giữa các trung tâm kinh tế - chính trị nên đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tuyến hình thành tạo điều kiện tái cơ cấu không gian phát triển kinh tế, kết nối liên thông giữa các đô thị, các cực tăng trưởng dọc hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam. Tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ của khu vực. Tạo dư địa để tái cấu trúc hệ thống các đô thị, phân bổ lại dân cư, tạo động lực tăng trưởng vùng. Trong đó kết nối các đô thị trung tâm như: thành phố Châu Đốc - thành phố Long Xuyên - thành phố Cần Thơ - thành phố Sóc Trăng và kết nối cảng biển Trần Đề. Nâng cao năng lực vận tải và rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu Tịnh Biên đến cảng biển Trần Đề, đây cũng là tiền đề quan trọng để kêu gọi đầu tư, khai thác hiệu quả cảng biển Trần Đề trong tương lai.

Với tầm quan trọng nêu trên, để khai thác tốt nhất vai trò của tuyến cao tốc khi hoàn thành, tỉnh sẽ nghiên cứu, tổ chức định hướng, lồng ghép vào Quy hoạch tỉnh, nhất là quy hoạch về giao thông, đô thị, công nghiệp… bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững trên cơ sở tận dụng lợi thế của tuyến cao tốc. Bố trí thêm các đường gom song song với tuyến cao tốc tại các khu vực đô thị và kết nối hợp lý với tuyến cao tốc. Nghiên cứu bố trí các khu công nghiệp, dịch vụ - thương mại cho phù hợp, trên cơ sở tận dụng ưu thế của tuyến cao tốc. Đặc biệt là khu vực đường dẫn cuối tuyến trên địa bàn huyện Trần Đề. Tập trung đầu tư tăng cường hệ thống hạ tầng trọng yếu bảo đảm liên kết vùng và kết nối với tuyến cao tốc, nhất là trong các lĩnh vực giao thông, đô thị, công nghiệp, dịch vụ logistics, môi trường… đặc biệt là hoàn thành các thủ tục để sớm kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh về cuộc trao đổi này!

QUANG BÌNH (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: