• Đời sống xã hội

Chiếc bập dừa trong ký ức tuổi thơ

12/08/2023 07:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 12/08/2023 | 07:30

STO - Như nhiều vùng quê khác ở Sóc Trăng, quê tôi cũng có rất nhiều kênh rạch. Mỗi con rạch, dòng kênh đều có những loại cây lá đặc trưng hai bên bờ. Riêng quê tôi thì đặc sệt một màu xanh của cây dừa nước, đây là loại cây đã đồng hành chung thủy với người dân quê tôi.

Ngoài tác dụng chống sạt lở bờ sông thì tất cả các bộ phận của cây dừa nước đều giúp ích cho con người. Lá dừa nước dùng để lợp nhà, đọt lá dừa nước non (ở quê gọi là cà bắp) dùng làm dây buộc (gọi là lạt dừa), buồng dừa nước non dùng để trang trí làm đẹp cho cổng nhà tiệc trong đám cưới hỏi, lớn lên một chút khi dừa nạo thì có thể trở thành một món ăn khoái khẩu của đám trẻ con nhà quê chúng tôi. Nhưng tôi nhớ nhất vẫn là chiếc bập dừa.

Trẻ em tập bơi trên bập bè. Ảnh: QUÁCH TẤN THUẦN

Bập dừa là phần còn lại dưới cùng của tàu lá dừa nước bị chặt. Đây là nơi trú ẩn của một loại cá đặc sản ở quê tôi, đó chính là cá bống dừa. Loại cá này thường chọn các khe hở có nước trong bập dừa để sinh sống. Mà cũng lạ, ngày thường đi kiếm một con cũng trần ai nhưng hễ con nước rằm và ba mươi là cá lại vào bập dừa bắt cặp. Người bắt cá chỉ cần chuẩn bị một cái cù móc hình móc câu, dài bằng ngón tay người lớn, sau đó gắn vào một nhánh tre nhỏ rồi cứ tìm bập dừa thọc vào, kéo ra là bắt được cá. Đi chừng một giờ đồng hồ là móc được vài ký khỏe re.

Không những vậy, chiếc bập dừa còn là nơi lưu dấu kỷ niệm cả một trời tuổi thơ với những người từng sinh sống ở quê. Hồi đó, phần nhiều gia đình khó khăn về kinh tế, thu nhập chính chủ yếu từ nghề làm ruộng. Cứ sáng sớm là người lớn lại ra đồng, đến chiều tối mới về. Đám con nít chẳng có gì giải trí ngoài việc xúm nhau cất nhà chòi, chơi bán hàng rồi xuống kênh mương mò tôm, cá đem nướng ăn. Lội bùn lấm lem cơ thể sợ chiều về bị người lớn cho “ăn đòn” nên cả bọn lại rủ nhau đi tắm sông. Chiếc bập bè lại trở thành “bạn đồng hành”, thành “ân nhân” của đám con nít.

Bập bè là dụng cụ tập bơi hiệu quả nhất của đám trẻ nhà quê. Hồi xưa ở quê đâu có áo phao, cũng đâu có thầy giáo dạy bơi như bây giờ. Mỗi gia đình đều kết cho con mình một cái bè để tập bơi. Việc kết bè cũng hết sức đơn giản, cứ chặt từ 3 cái bập dừa nước trở lên, sau đó tiếp tục đốn tre vạt nhọn đầu rồi kết các bập dừa nước lại với nhau, vậy là hoàn tất. Người lớn cứ an tâm, thoải mái ra đồng làm việc, con cái đứa nhỏ giao cho đứa lớn trông nom.

Nhớ hồi nhỏ tôi rất nhát nước, gặp nước là chân rút lại, run cầm cập. Anh Hai tôi tập bơi mãi mà cũng không xong. Rồi cậu Tám cạnh nhà lại bày ra một kế để tôi không sợ nước. Cậu nói mày cứ bắt con chuồn chuồn cho nó cắn rốn, chừng nào thấy rốn sưng đỏ lên thì cứ việc nhảy xuống sông là biết lội liền. Tin lời người lớn, tôi thực hành theo y chang, nhưng biết lội đâu không thấy, chỉ thấy mới vừa nhảy xuống nước là cơ thể chìm nghỉm, may mà cậu Tám đứng đó kịp thời đẩy cái bập bè ra cho tôi bám vào. Vậy mà hay, từ hôm đó tôi không sợ nước nữa, cứ tự tin theo mấy anh chị lớn trong xóm tập bơi rồi biết lội tự lúc nào cũng không biết.

Vậy đó, tuổi thơ của những đứa trẻ nhà quê chúng tôi thuở trước thật giản đơn, thiếu thốn nhưng luôn rôm rả tiếng cười. Giờ thì những dòng kênh, con rạch ở quê cũng dần mất hút những hàng dừa nước xanh rì hai bên bờ quanh năm lộng gió, tiếng trẻ con rộn rã đùa giỡn, tập bơi cũng thưa dần. Trường học đã có hồ bơi, có thầy giáo dạy bơi đàng hoàng, trẻ con không biết bơi đã được cha mẹ trang bị cho áo phao khi bơi lội. Tất cả mọi thứ gần như là hoàn hảo, chỉ riêng những dòng kênh, con rạch là thiếu thốn tiếng cười của những người bạn trẻ thơ và chiếc bập bè bầu bạn.

QUÁCH TẤN THUẦN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: