• Thị xã Vĩnh Châu

Thị xã Vĩnh Châu chăm lo vật chất, tinh thần đồng bào Khmer

15/10/2022 14:03 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 15/10/2022 | 14:03

STO - Là địa phương có đông đồng bào Khmer của tỉnh Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu đã thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, góp phần phát huy những giá trị của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nâng cao đời sống vật chất

Theo đồng chí Phan Thị Xinh Hưởng - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Vĩnh Châu, những năm gần đây địa phương tập trung hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn, từng bước xóa nhà ở tạm bợ. Thị xã đã triển khai xây dựng nhà ở đợt 1 (trong năm 2021) cho 143 hộ, kinh phí hơn 7 tỷ đồng, đây là một trong những hoạt động ý nghĩa, mục tiêu hướng tới chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng; đợt 2 triển khai xây dựng 295 căn (trong năm 2022) với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã rà soát, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, nước sinh hoạt phân tán theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn I từ năm 2021 - 2025; kết quả có 73 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất ở, 784 hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở, 147 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất, 351 hộ có nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề, 120 hộ có nhu cầu hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán… Thị xã Vĩnh Châu sẽ tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ cho đồng bào Khmer từ các chương trình, dự án trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn (đứng giữa) đến bàn giao nhà, động viên gia đình anh Thạch Ruốc, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Điển hình về sự ấm áp và ý nghĩa của ngôi nhà mới cho đồng bào Khmer là trường hợp anh Lâm Minh Chương, ở khóm Cà Lăng A Biển, phường 2, được bàn giao nhà trước dịp tết Chôl Chnăm Thmây năm 2022. Anh Chương chia sẻ: “Tôi sống chủ yếu làm thuê, muốn lên thành phố lập nghiệp nhưng con cái không ai lo nên phải bám trụ lại quê. Vợ chồng làm được bao nhiêu tiền cũng chỉ đủ chi tiêu, xây nhà là mơ ước nhiều năm nay, nhưng bây giờ đã thành sự thật”.

Còn với gia đình anh Thạch Ruốc, ở ấp Tân Nam, xã Vĩnh Tân, đây là hộ dân tộc Khmer được hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà, được Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn, lãnh đạo Thị ủy Vĩnh Châu dự bàn giao, động viên, dịp lễ Sene ĐôlTa năm 2022. Anh xúc động kể về hành trình vượt khó cùng ước mơ vươn lên trong cuộc sống, ngôi nhà là niềm tin, động lực để gia đình anh không ngừng phấn đấu vươn lên.

Những căn nhà mới được hoàn thành dịp tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene ĐôlTa cũng mang đến một phần ý nghĩa tốt đẹp cho những ngày vui trọn vẹn, ấm áp, nghĩa tình của đồng bào Khmer. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất, tạo động lực vươn lên trong cuộc sống.

Quan tâm giá trị tinh thần

Vĩnh Châu là thị xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, gồm dân tộc Khmer chiếm 52,85%, dân tộc Hoa chiếm 17,74%, có 21 chùa phật giáo Nam tông, từ đó tạo nên đời sống văn hóa đa sắc màu. Đồng chí Trần Trí Vân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tạm dừng tổ chức lễ hội, các sự kiện tập trung đông người, trong đó có lễ, Tết của đồng bào Khmer. Năm 2022, tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Sene ĐôlTa vô cùng rộn ràng khi cuộc sống đã trở lại trạng thái bình thường mới. Đặc biệt, Thị ủy, UBND thị xã đang tích cực chỉ đạo chuẩn bị tham gia Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII tại tỉnh Sóc Trăng và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 như: đua ghe ngo, bi sắt, bóng chuyền, đẩy gậy… Ngày hội hứa hẹn sẽ trở thành điểm sinh hoạt, vui chơi đặc sắc về văn hóa tinh thần cho đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung, trong đó có đồng bào Khmer của thị xã Vĩnh Châu. Riêng bộ môn đua ghe ngo, thị xã Vĩnh Châu có đội ghe chùa Wáth Pích và đội ghe chùa Đơm Om Pưl (phường Vĩnh Phước) tham gia, thị xã Vĩnh Châu hỗ trợ mỗi chùa 50 triệu đồng để động viên, khích lệ.

Vận động viên đội ghe ngo chùa Wáth Pích, phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) tích cực luyện tập. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Theo ông Kim Thành Sơn - Trưởng Ban Quản trị chùa Wáth Pích, năm 2020, chùa đóng mới ghe với số tiền 350 triệu đồng, trong đó UBND thị xã Vĩnh Châu hỗ trợ 150 triệu đồng, còn lại do mạnh thường quân tài trợ. Cũng trong năm 2020, đội ghe ngo chùa Wáth Pích thi đấu tại Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo giành được giải ba, đây là niềm vinh dự, tự hào của chùa và đồng bào phật tử Vĩnh Châu. “Với khí thế quyết tâm cao, hiện nay có khoảng 100 vận động viên luyện tập lúc 17 giờ mỗi ngày, xuyên suốt 1 tháng trước khi thi đấu. Năm 2021, do dịch bệnh nên không tổ chức đua ghe, năm nay bà con rất mong chờ đội ghe ngo chùa Wáth Pích sẽ lập nên thành tích mới” - ông Sơn chia sẻ.

Tại chùa Đơm Om Pưl, một ngôi chùa có truyền thống lâu đời trong làng đua ghe ngo cũng đang tích cực luyện tập từ nhiều ngày qua. Điểm tập bơi ở phía sau chùa, hai bên được gắn đèn chiếu sáng để các vận động viên luyện tập đến tối. Các tay bơi được sắp xếp theo vị trí của mình trên ghe và tập theo tiếng còi của huấn luyện viên cho thật nhịp nhàng, ăn ý. Năm 2021, chùa chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh, không tổ chức lễ hội trong khuôn viên chùa để tránh tập trung đông người. Năm nay, đội ghe ngo chùa Đơm Om Pưl sẽ tham gia thi đấu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thị ủy, UBND thị xã Vĩnh Châu quan tâm đến thăm hỏi, khích lệ. Đây là động lực cho vận động viên tích cực luyện tập để có thể giành được thứ hạng cao trong cuộc đua sắp tới.

Ông Thạch Hiền - thành viên Ban Quản trị chùa Đơm Om Pưl chia sẻ: “Năm 2022, trong điều kiện bình thường mới, đời sống đồng bào Khmer bị ảnh hưởng của dịch bệnh luôn được địa phương quan tâm chăm lo nên “không ai bị bỏ lại phía sau”, điều kiện phát triển kinh tế hay sự thụ hưởng văn hóa là như nhau. Năm vừa rồi không tổ chức đua ghe nên đồng bào Khmer rất mong chờ vào năm nay. Những ngày luyện tập vừa qua, bà con đến xem đông, khí thế thi đua cũng sôi nổi hơn rất nhiều”.

Có thể thấy, bộ môn đua ghe ngo là nét đẹp văn hóa được kết tinh, hun đúc từ những giá trị tốt đẹp trở thành nét đặc sắc riêng, được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Khí thế rộn ràng, sôi nổi để tham gia Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII tại tỉnh Sóc Trăng và Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 là minh chứng rằng, hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn.

PHƯỚC LIÊU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: