• Giáo dục nghề nghiệp

Khởi sắc từ công tác dạy nghề cho lao động nông thôn

06/10/2022 04:17 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 06/10/2022 | 04:17

STO - Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần tạo việc làm phù hợp, tăng thu nhập cho người lao động nông thôn và gia đình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đồng chí Võ Thanh Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, xác định vai trò quan trọng của công tác dạy nghề là nâng cao chất lượng đào tạo tay nghề cho lao động nông thôn; tạo việc làm, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động, Tỉnh ủy rất quan tâm lãnh đạo các cấp ủy đảng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, cùng với việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956); Chỉ thị số 01-CT/TU, ngày 23/11/2010 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 11/7/2012 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020; Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 5/8/2019 của Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm đến 2025; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 11/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tổ chức tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn và phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh thực hiện tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm; vận động đoàn viên, hội viên tham gia học nghề, góp phần nâng cao nhận thức về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua.

Giai đoạn 2010 - 2020, số lượng tham gia học nghề tỉnh Sóc Trăng vượt chỉ tiêu so với kế hoạch. Ảnh: XUÂN HƯƠNG

Giai đoạn 2010 - 2020, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển, trong đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động; trong đó, có 15 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư nhân. Đội ngũ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp phát triển về số lượng, có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp đạt chuẩn theo quy định; chương trình, giáo trình đào tạo được biên soạn theo hướng nâng cao chất lượng, sát với nhu cầu thực tiễn và thị trường. Quy mô tuyển sinh, đào tạo trên 24.000 người/năm với hơn 100 ngành, nghề đào tạo ở các trình độ từ dưới 3 tháng đến cao đẳng và thường xuyên rà soát, điều chỉnh ngành, nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của công ty, doanh nghiệp, nhu cầu học nghề của người lao động tại địa phương.

Với hệ thống 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 10 năm qua, tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 233.898/215.000 người, đạt 108,79% chỉ tiêu kế hoạch, trong đó, hỗ trợ học nghề cho lao động nông thôn trên 85.700 người, số người học nghề đã tốt nghiệp là 82.040 người, đạt tỷ lệ 95,72% tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, góp phần vào kết quả năm 2020: nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,38% (tăng 9,45% so với năm 2011 và tăng 17,68% so với 2015); tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55,33% (tăng 16,57% so với năm 2011 và tăng 6,18% so với năm 2015); tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 28,11% (tăng 8,42% so với năm 2011 và tăng 5,06% so với năm 2015); lao động sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có hiệu quả cao hơn đạt 78,62% trong giai đoạn 2011 - 2015, 89,33% giai đoạn 2016 - 2020; có 80/80 xã đạt tiêu chí số 14.3 trong xây dựng nông thôn mới. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 3/10 huyện, thị xã đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 58/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,66% (8.617 hộ), trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào Khmer 4,13% (4.140 hộ).

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, vẫn còn một số mặt hạn chế nhất định như: công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, việc làm ở một số xã, phường, thị trấn chưa được chú trọng; một số địa phương chưa xác định được ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn phù hợp với phát triển kinh tế ở địa phương, để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ quản lý, giáo viên... của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; công tác xã hội hóa trong dạy nghề cho lao động nông thôn tại một số địa phương chưa được thực hiện; doanh nghiệp tham gia liên kết, phối hợp dạy nghề, tuyển dụng lao động sau dạy nghề còn hạn chế, chưa trở thành phong trào bền vững...

Trước bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp và hội nhập quốc tế; đồng thời, khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại và phát huy hơn nữa kết quả, hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, triển khai thực hiện một số giải pháp chủ yếu như: đẩy mạnh truyền thông về công tác giáo dục nghề nghiệp, việc làm; nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động; đẩy mạnh việc liên kết, phối hợp giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động.

Trọng tâm là phân nhóm đối tượng để đào tạo, như: đối với lao động trẻ (từ 15 tuổi đến dưới 35 tuổi) tập trung đào tạo nghề chất lượng cao đối với các ngành, nghề thuộc tiềm năng, thế mạnh và thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới; đối với các lao động có độ tuổi từ 35 tuổi trở lên, không còn làm việc trong các doanh nghiệp thì tổ chức đào tạo những ngành, nghề thị trường lao động cần, đào tạo các ngành, nghề gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, hợp tác xã, các ngành, nghề thuộc tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương... nhằm tạo việc làm phù hợp, bền vững cho người lao động, kiên quyết “không tổ chức đào tạo nghề khi chưa xác định được việc làm, thu nhập cho người lao động đối với nghề sau khi đào tạo”.

XUÂN HƯƠNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: