• Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2021)

Kỳ tích vĩ đại Hồ Chí Minh

05/06/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 05/06/2021 | 06:00

STO - Cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Bác cách đây 110 năm đã tạo nên những bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam và làm thay đổi số phận của cả dân tộc. Ngày 5-6-1911 đã trở thành một dấu mốc đặc biệt quan trọng, không chỉ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, mà còn rất đỗi thiêng liêng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Sự lựa chọn sáng suốt

Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đất nước ta chìm đắm dưới ách thống trị của thực dân Pháp xâm lược. Các phong trào cứu nước của nhân dân ta đều thất bại nặng nề. Chứng kiến cảnh khổ cực của người dân mất nước, sự đàn áp đối với các phong trào yêu nước của kẻ xâm lược, Nguyễn Tất Thành nung nấu quyết tâm đi tìm con đường mới để cứu nước, cứu dân. Ngày 5-6-1911, với tên mới là Văn Ba, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến Cảng Nhà Rồng - Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) trên con tàu “Đô đốc Latouche Tréville”, với một khát vọng cháy bỏng là tìm ra con đường giải phóng đất nước và mang lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Bến Nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã bôn ba qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia, làm đủ mọi công việc nặng nhọc. Năm 1917, thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm và nhận thức của Người. Qua các hoạt động thực tiễn và đọc “Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại, con đường cứu nước cho các dân tộc thuộc địa.

Đầu năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc) bắt đầu xây dựng những nhân tố cần thiết bảo đảm cho cách mạng Việt Nam. Bằng nhạy cảm chính trị thiên tài, nhận thấy tình hình thế giới có chuyển biến lớn, Người quyết định gấp rút trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Ngày 3-2-1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Người khởi thảo. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu mốc quan trọng trong hành trình đi tìm đường cứu nước của Người.

Sau gần 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, ngày 28-1-1941, Người trở về nước và chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên. Tháng 5-1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8, quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) - Nhà nước dân chủ nhân dân dựa trên nền tảng liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo đầu tiên ở Đông Nam châu Á, mở ra một thời đại mới rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh.

Sáng mãi chủ nghĩa yêu nước

Đã 110 năm trôi qua kể từ ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, nhưng ý nghĩa to lớn của sự kiện ấy vẫn còn nguyên giá trị. Ngày 5-6-1911 đã trở thành một dấu mốc đặc biệt quan trọng, không chỉ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, mà còn đối với lịch sử của cả dân tộc Việt Nam.

Với tấm lòng yêu nước sâu sắc, sự trăn trở về vận mệnh dân tộc và bằng sự hiểu biết của bản thân, Người quyết định đi đến châu Âu xa xôi, đến tận nước Pháp, nơi khởi nguồn của chủ nghĩa thực dân và là quê hương của các cuộc cách mạng tư sản để tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái”. Ở vào thời điểm mà mọi nỗ lực cứu nước đều rơi vào bế tắc, thì sự lựa chọn đó là cả một sự mẫn cảm đặc biệt, một ý định cách mạng và táo bạo, thể hiện tư duy độc lập, tư tưởng đổi mới và sự thấu suốt cả tầm nhìn và hành động của Bác. Trên hành trình tìm đường cứu nước, Bác đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga, tìm thấy ở đó con đường cứu nước đúng đắn: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Và từ một người yêu nước chân chính, Nguyễn Ái Quốc trở thành một chiến sĩ cộng sản.

Khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Người đã vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết Mác - Lênin phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam, xác lập đường lối cứu nước đúng đắn để thực hiện đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thực tế lịch sử đã chứng minh, chính tư tưởng, đường lối cứu nước đúng đắn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, dẫn dắt Đảng và nhân dân ta đoàn kết vượt qua biết bao khó khăn, thử thách để đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới, đưa đất nước từng bước tiến lên “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc hành trình không mệt mỏi vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, là tấm gương tiêu biểu về chủ nghĩa yêu nước. Ngày 5-6-1911 đã trở thành một dấu mốc đặc biệt quan trọng, không chỉ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, mà còn rất đỗi thiêng liêng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, các thế hệ người Việt Nam xin nguyện sẽ vững bước trên con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tăng cường đoàn kết, nỗ lực thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

QUỲNH LAM

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: